Blog
Tâm sự khởi nghiệp kinh doanh cà phê pha máy
Đó là tâm thế của tôi cái ngày bước chân vào Sài Gòn học đại học. Cái tâm thế ấy mang lại tôi có một sức mạnh lạ kỳ, khiến bản thân làm việc không hề biết mệt mỏi. Hệt như người lính trẻ ra trận với ước mơ trở thành đại tướng quân. Giống vậy, tôi hạ quyết tâm hết 4 năm đại học, tôi sẽ trở thành chủ doanh nghiệp. Dù có thất bại vì sự non nớt của mình, tôi cũng sẽ trở thành chủ doanh nghiệp. Vì với tôi, đó là một bài học, một sự tính toán để hơn người.
Mục lục
Tâm sự khởi nghiệp từ cà phê…
Duyên số với Cà phê
Năm 2 đại học, tôi bắt đầu đi thực tập tại một công ty xây dựng. Sếp ở đó rất tốt, nhưng không giữ được tôi. Vì anh chỉ có tấm lòng, còn những thứ tôi muốn học trong quá trình làm việc, anh không đáp ứng được. Anh cũng là người làm chủ từ ngày mới bước chân khỏi trường đại học. Anh cùng suy nghĩ với tôi, đó là dù có thất bại, chúng ta vẫn là người đi trước so với bạn bè đồng trang lứa.
Những ngày tôi sắp nghỉ việc, anh em nói chuyện với nhau nhiều hơn. Anh kể về những lần bươn chải của cuộc đời anh, kể về những thất bại mà anh mắc phải khi làm mà không có kinh nghiệm. Và anh nói với tôi: “Nếu em làm cà phê, anh có thể giúp em được”. Anh sở hữu 1 quán trà và đã từng thất bại khi làm cà phê. Đó là lần đầu tiên trong đầu, tôi nghĩ đến cà phê. Vì chẳng có gì tốt bằng việc có người chỉ dẫn trên con đường khởi nghiệp cả. Dù vậy, tôi chưa nhờ anh lần nào cả.
Sau này, khi sắp tốt nghiệp, tôi bắt đầu nghiên cứu cà phê. Lúc đó, trong con mắt của một đứa non nớt, tôi thấy cà phê là một cái gì đó vừa gần gũi, vừa phức tạp để tôi thể hiện óc chiến lược của mình, lại vừa dễ kiếm tiền. “Một vốn bốn lời” là câu nhiều người hay mô tả khi làm cà phê.
Một vốn bốn lời
Tôi đủ thông minh để hiểu, một vốn bốn lời là câu nói chính xác khi so doanh thu với giá nguyên liệu. Trong thực tế, chi phí để cấu thành nên một cốc cà phê yêu cầu nhiều hơn thế và chiếm tỷ trọng cao hơn nguyên liệu. Kể sơ sơ ra thì có: mặt bằng, chi phí lương nhân viên (pha chế, thu ngân, phục vụ, quản lý, bảo vệ,….), khấu hao, vận hành,…
Tôi biết nhiều người không hiểu được phép tính đơn giản này. Rất nhiều vụ việc khởi nghiệp thất bại, tôi cho rằng họ không hiểu những điều cơ bản như vậy nên mới thất bại. Họ chỉ thấy đầu tư cà phê ít vốn, lợi nhuận cao, nhiều người thành công và họ chán làm thuê cho người khác nên mới nhảy vào làm.
Được bươn chải khá nhiều trong 4 năm đại học, kiến thức về kinh doanh không phải ít, nên tôi càng quyết tâm mình sẽ làm được. Tôi càng quyết tâm hơn khi trải nghiệm nhiều quán cà phê, thấy người ta làm dở ẹc mà vẫn đông khách. Dở từ sản phẩm tới trải nghiệm khách hàng. Với kiến thức và hiểu biết của mình, nhất định sẽ thành công.
Hiểu và làm được là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau
Tính tôi bản lĩnh và gây được khá nhiều thành tích trong quá trình đi học. Vì vậy, việc xin vốn từ gia đình không khó, cũng như không gặp sự ngăn cản nào cả. Làm quán cà phê đúng là nhàn thân nhưng khổ não. Chỉ đến khi cầm tiền trong tay và bắt đầu làm, tôi mới nhận ra từ hiểu đến làm là một trời một vực.
Cầm tiền trong tay, tôi có một loạt vấn đề cần được xử lý và có một biển thông tin cần được lọc.
Địa điểm nên đặt ở đâu, nếu đặt ở đó thì có những đối thủ nào, họ đang có ưu nhược điểm gì. Nếu đặt ở đây thì có thuận tiện cho khách không, mặt bằng này đã đáp ứng nhu cầu cơ bản cho khách chưa? Nếu chọn mặt bằng này thì nên bày trí như nào, mình định dựng concept gì cho quán,… Mặt bằng này có vẻ tốt nhất, không quyết định nhanh thì mất, mà quyết nhanh quá lại sợ mình nóng vội, chưa xét kỹ.
Tiếp theo là xử lý các vấn đề của giai đoạn đầu vào. Phải tìm các đối tác cung cấp nguyên liệu uy tín từ đâu? Ngoài các yêu cầu về chính sách giá cả, giao hàng, chứng từ, thì còn cần thêm gì nữa không? Kho lưu trữ đặt ở đâu, làm sao quản lý, bảo quản và kiểm soát. Có nên sử dụng phần mềm ngay không, nếu chưa dùng thì làm thủ công như nào,….
Trong giai đoạn vận hành cần tính toán cân nhắc định lượng hàng hóa, lên quy trình tác nghiệp, mô tả công việc cho phục vụ – thu ngân – pha chế.
Đó là những đầu việc chính cần xử lý trước khi quán đi vào vận hành, chưa kể những việc phát sinh lặt vặt. Duy nhất chỉ mình mình làm. Lúc này mới thấm rằng khởi nghiệp full-time khác với làm full-time. Làm full-time ngày cùng lắm 10 tiếng, còn khởi nghiệp full-time là 24/24 nghĩ về công việc.
Các bạn đừng nghĩ ngủ có thể thoát, đến ngủ tôi cũng mơ về việc mình cân đối tài chính hay chăm sóc khách hàng. Nói chung là ăn, ngủ, tắm rửa tất cả đều nghĩ về cà phê. Nhưng điều đó không làm mình nhụt chí, vì nó là cái mình ôm ấp, là cái mình hoài bão. Nó là khởi đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Cực, cực và siêu cực!
Con số thất bại luôn cao hơn thành công. Không phải mỗi đóng cửa dẹp tiệm là thất bại. Vẫn cửa tiệm đó, vẫn thương hiệu đó, vẫn những nhân viên đó, nhưng chủ lại là một người khác. Sang nhượng quyền sở hữu của mình cho người khác là sạt nghiệp, là thất bại rồi. Vì họ không vượt qua được và không thể tưởng tượng ra được phần chìm của tảng băng nổi.
Ngay chi phí đầu tư ban đầu đã là một cái mà tôi tính toán sai. Chi phí vượt cao hơn so với dự tính. Trớ trêu thay, bản thân tâm huyết bao nhiêu, muốn làm điều khác biệt nhiều bao nhiêu thì chi phí luôn ngăn cản các ý tưởng bấy nhiêu.
Khi quán vận hành, hàng loạt những sự việc không tên cần giải quyết hàng ngày. Vượt quá sự tưởng tưởng, sức chịu đựng và tinh thần của một đứa mới ra trường. Hàng ngày, đều phải giải quyết những sự vụ không tên này từ sáng đến tối. Khi đóng cửa rồi vẫn phải ngồi kiểm kê số liệu và chuẩn bị mọi thứ cho ngày hôm sau.
Những rủi ro không thấy rõ, không thể dự đoán cũng như không thể kiểm soát trước luôn sẵn sàng ập tới. Tôi biết nhiều anh em khóc không thành tiếng khi làm ăn nửa năm mới biết địa điểm mình lựa chọn sẽ khiến họ thất bại. Sống chung với địa điểm rồi mới nhận ra nó có biết bao nhiêu khuyết tật. Mưa là ngập, vỉa hè mới thi công đã hỏng, con đường 2 chiều giờ đã thành 1 chiều, công an bỗng ra lệnh dọn vỉa hè khiến quán mất chỗ để xe,… khiến biết bao anh em phải rời ngành.
Rồi ai biết được nhân viên ngày mai có đi làm hay không, nhân viên đang có bất bình gì, khách hàng có hài lòng dịch vụ hay không,…. Đó đều là những vấn đề có thể kiểm soát. Nhưng dưới tay 1 người, lại non kém như tôi hay rất nhiều người đang làm cà phê, nó trở thành vấn đề không kiểm soát được.
Nhiều, cực nhiều vấn đề diễn ra, sẵn sàng dập tắt mọi ngọn lửa tinh thần của những người không đam mê, không khát vọng và đặc biệt là không đủ tiền.
Thầy tôi dạy làm gì cũng phải thật lỳ đòn mới có thể tồn tại, đặc biệt là khởi nghiệp. Nhưng thực sự có những lúc muốn buông bỏ tất cả, stress đến muốn phát điên. Trong lòng chỉ ước ao, giá như mình có thể tan biến mà không ai nhớ tới. Bản thân quá mệt mỏi tới mức muốn out khỏi cuộc sống này.
Nhưng mọi sự đâu có dễ dàng thế, bản thân là niềm tự hào của gia đình mà. Không còn đường lui thì phải tiếp tục tiến lên.
Điểm hòa vốn
Mỗi ngày trôi qua đều như một trận chiến, một trận đấu trí cực kỳ căng não. Lúc này đầu óc chỉ còn hướng đến một điểm duy nhất, một ánh sáng duy nhất mình còn năng lực để kéo lại, trước khi làm điều gì đó khác biệt hơn. Đó là điểm hòa vốn.
Cái giây phút đạt được điểm hòa vốn, bản thân cảm thấy nó nghẹt thở hơn gấp trăm ngàn lần một trận đấu bóng đá phút 90. Lúc này mới biết mình đã an toàn, hoặc ít nhất là sẽ không thất bại thảm hại, và đầu óc suy nghĩ đến những thứ cao hơn gọi là thành công.
Càng làm thì càng quen tay và càng nhàn với những thứ mang tính quy trình như: Đánh giá nhân sự, phân quyền thu chi, kiểm soát doanh thu chính và phụ, kiểm định kho hàng, đối chiếu số liệu, phân tích doanh thu/chi phí, kiểm soát thất thoát,….
Lúc này mới thực sự mạnh tay và giải quyết triệt để vấn đề ảnh hưởng mạnh nhất đến trải nghiệm khách hàng, đó là nhân sự. Đào tạo nhân sự bài bản, phát triển nhân sự hợp lý, đãi ngộ nhân sự công bằng, tạo nguồn nhân sự ổn định, lại là những vấn đề lớn cần giải quyết. Nhưng lúc này, thằng bé ngày nào đã lớn rồi, bản lĩnh hơn, hiểu biết hơn, quan hệ rộng hơn. Một điều quan trọng nhất, với tôi, đó là mình bình tĩnh hơn, không rối ren như những ngày đầu nữa.
Tôi không có lời khuyên nào cả, tất cả chỉ là sáo rỗng. Bài viết mong muốn chia sẻ cùng mọi người, đặc biệt là những người muốn khởi nghiệp một phần nào đó sự khắc nghiệt của khởi nghiệp. Đặc biệt là khởi nghiệp trong ngành F&B.